Tiêm nhầm cho 60 trẻ: Yếu y thuật hay kém y đức?
Hôm đó, đoàn đi tiêm ngừa có 5 người, gồm Trưởng trạm là bác sỹ Nguyễn Tấn Tài và 4 nhân viên đều là y sỹ (1 nam 3 nữ). Bác sỹ Trưởng trạm tốt nghiệp ngành y hệ chuyên tu tại Trường ĐH Cần Thơ, còn các y sĩ tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế tỉnh Đồng Tháp.
Các nhân viên cho biết, vắc-xin ngừa sởi được chuyển từ trên xuống, bảo quản trong thùng lạnh. Gồm be đựng bột vắc-xin màu nâu sẫm và be đựng dung dịch hồi chỉnh (tương tự nước cất) màu trắng.
Hai be rất khác nhau từ màu sắc lẫn hình dáng, nhất là be đựng vắc-xin có đóng nắp kỹ lưỡng, còn be đựng dung dịch hồi chỉnh chỉ là ống thủy tinh bình thường. Phải trộn hai thứ với nhau mới đem tiêm ngừa cho trẻ.
Be đựng nước cất để trên, nhân viên tiêm ngừa lấy ra, nghĩ rằng đó đã là vắc-xin nên đem tiêm cho các cháu tuổi từ 1 đến 5. Mỗi be tiêm được 10 cháu, tiêm xong 6 be thì sự nhầm lẫn tai hại được phát hiện nên dừng lại. Theo các nhân viên, trước khi tiêm chủng đã được tập huấn.
“Vậy tại sao còn để nhầm lẫn không thể chấp nhận như thế?”, câu hỏi này không nhân viên y tế nào trả lời. Một người rụt rè nói: “Đây là tiêm ngừa thiếu vắc-xin chứ không phải nhầm lẫn”.
Tại Trường mầm non Sao Mai, các cô giáo cũng đang lo sợ sau sự cố “tiêm ngừa thiếu vắc-xin”, dù không ai dám nói gì. Họ bảo, tất cả thông tin phải hỏi ngành y tế. Điểm trường mầm non này có 170 cháu, sau khi phát hiện 60 cháu “tiêm ngừa thiếu vắc-xin”, còn 110 cháu khác vẫn tiêm bình thường.
Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, bác sỹ Đoàn Tấn Bửu, cho biết sau khi hay tin đã triệu tập cuộc họp các bên liên quan và ngày 21/10, cùng chính quyền địa phương tổ chức xin lỗi phụ huynh học sinh.
“Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm trước cha mẹ các cháu”, ông Bửu nói. Ông cũng khẳng định, trước khi tiêm chủng đã tổ chức tập huấn, lên kế hoạch tiêm chủng và cả quy trình bảo quản vắc xin, lập sổ sách báo cáo, có Viện Pasteur TPHCM hỗ trợ trực tiếp.
Theo ông, sai sót do “nhân viên trực tiếp tiêm ngừa trình độ tay nghề yếu”. Tuy nhiên, ông Bửu cũng đề nghị không nêu tên những nữ nhân viên đã mắc sai lầm để tránh “bị sốc thêm có thể sinh ra hậu quả xấu tiếp theo”.
Trao đổi xung quanh sự cố được coi là hi hữu trong chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella miễn phí trên toàn quốc đang khiến người dân lo lắng, nghi ngại và bất an, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, rất lấy làm tiếc về sự cố này. Tuy nhiên, ông Phu cho biết đây là sự cố nhỏ, không ảnh hưởng đến chiến dịch đang diễn ra thuận lợi tại nhiều địa phương.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 26/10, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiến hành tiêm vắc-xin sởi-rubella cho khoảng 4,5 triệu trẻ ở 52/63 tỉnh/thành phố, kết quả cho thấy vắc-xin đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Cùng thời điểm các địa phương triển khai tiêm chủng cho trẻ theo chiến dịch thì Bộ Y tế cũng lập các đoàn kiểm tra, giám sát các điểm tiêm vắc-xin trên phạm vi toàn quốc.
Ông Phu cho hay: “Sự cố xảy ra tại tỉnh Đồng Tháp nên Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp có trách nhiệm trực tiếp xử lý cán bộ có sai phạm. Về phía Bộ Y tế đã cử cán bộ của Viện Pasteur TPHCM đến địa phương xảy ra sự cố để chỉ đạo sở y tế tỉnh xử lý sự việc.
Trong số hơn 1.000 điểm tiêm trên cả nước, với số lượng 4,5 triệu trẻ đã được tiêm thì đây được đánh giá là sự cố nhỏ, chúng tôi không lo ngại ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch vì công tác tuyên truyền đang được thực hiện tốt”.
“Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm trước cha mẹ các cháu” - Ông Bửu nói
Trước câu hỏi, khi thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella miễn phí Bộ Y tế khẳng định tất cả cán bộ y tế tại các địa phương đã được tập huấn tốt nhưng vì sao vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc này, ông Phu cho hay: “Đúng là Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn cho các địa phương, tỉnh Đồng Tháp cũng vậy, nhưng chúng tôi không hiểu vì sao lại xảy ra sự cố trên. Tuy nhiên, đây là một sự cố đáng tiếc.
Bên cạnh việc xử lý của địa phương, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Đồng Tháp làm rõ sự việc tại sao cán bộ y tế đã tập huấn lại tiêm nhầm, thiếu sót ở khâu nào”.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, nhằm tăng cường an toàn cho chương trình tiêm chủng vắc-xin sởi-rubella, Cục Y tế dự phòng có văn bản yêu cầu giám đốc các sở y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng phải tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành.
Đặc biệt, tổ chức ngay tập huấn bổ sung cho các cán bộ y tế, đảm bảo chỉ những cán bộ được tập huấn, có kỹ thuật thuần thục mới được tham gia tiêm chủng. Bên cạnh đó, phối hợp các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động người dân cho con em đi tiêm chủng đầy đủ. Tại các điểm tiêm tổ chức giám sát chặt chẽ đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn.
Theo báo cáo của các địa phương trong cả nước tính đến ngày 26/10, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiến hành tiêm vắc-xin sởi-rubella cho khoảng 4,5 triệu trẻ, kết quả cho thấy vắc-xin đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Chương trình phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở quy mô xã, phường thị trấn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng lượt bình luận: {{totalComments}} - Tổng lượt trả lời: {{totalReplies}}