Ca sĩ Bạch Yến - Giọng ca không tuổi
Sự xuất hiện chính thức có thể xem như là lần đầu tiên của bà tại Việt Nam đã tái hiện phần nào cho công chúng quê nhà thấy được con đường âm nhạc mà bà đã đi, thấy được một giọng hát vẫn còn đầy hơi thở thanh xuân dù đã ngoài 70 tuổi.
Bắt đầu kể chuyện từ Đêm Đông
Được báo chí nước ngoài đặt biệt danh “Cinderella Việt Nam” nhưng cuộc đời của nữ danh ca Bạch Yến lại không có cho mình đôi giày pha lê định mệnh. Đi từ những ngày ấu thơ gian khó tới những đỉnh cao vinh quang, dường như ở người phụ nữ 73 tuổi ấy không có chỗ dành cho những đua chen, ganh đua. Bà sống bình lặng và giản dị, đón nhận vinh quang cũng bình thường như những ngày nhỏ im lặng cùng cả nhà ngồi nhìn nồi cháo trắng chẳng còn gì bên trong vào thời còn vô cùng gian khó…
Vì thế khi chương trình được mở màn đầu tiên bằng sáng tác nhạc "Đêm Đông" nhiều người hiểu rằng Bạch Yến đang bắt đầu kể lại câu chuyện đời mình bởi Đêm Đông chính là bài hát thay đổi số phận Bạch Yến.
Trước đó, bà có một thời ấu thơ không êm đềm. Cha đi bước nữa, mẹ mang cả nhà lên Sài Gòn sinh sống, trong một căn nhà lá, cuộc sống rất khó khăn, lại bị cháy nhà, cháy hết không còn cái gì, cả 5 mẹ con trắng tay. “Tôi nhớ lúc ấy, hội thiện nguyện đến cho lon gạo và cá khô, tôi bật khóc tủi thân vì nghĩ cho gạo thì lấy đâu củi với lửa mà nấu?”.
Đến năm 14 tuổi khi mấy người chị tình cờ đưa Bạch Yến tập hát thử Đêm Đông thì bà gần như bị cuốn theo. Và chính ca khúc này gieo lại niềm đam mê đi hát của bà. Suốt 6 tháng trời chỉ tập đúng bài hát này, sau đó Bạch Yến xin đi hát tại một phòng trà và ngay đêm đầu tiên Đêm Đông qua giọng hát của cô bé chỉ tròn 15 tuổi đã chinh phục công chúng. Mà đặc biệt hơn, bà “dám” thay điệu tango nguyên thủy sang slow rock và từ đó nó đã trở thành khuôn thước cho những thể hiện sau này.
Đêm Đông đưa Bạch Yến ra ánh sáng và tất nhiên, không kéo màn đêm buông xuống cuộc đời bà. Từ đó trở đi, bà trở thành một trong những ca sĩ được ưa chuộng nhất. Trong đêm Sol vàng tối 13/12, có thể bắt gặp lại hình ảnh Bạch Yến thời còn ở Việt Nam qua những ca khúc như Cho em quên tuổi ngọc, Lời buồn thánh, Đi với tôi đến chốn trời xa…. Giọng hát ở tuổi 73 của Bạch Yến vẫn làm lay động những khán giả tại Nhà hát Hòa Bình.
Cuộc viễn du âm nhạc
Bạch Yến vào thời đó rất đắt show nhưng bà là người đầu tiên dám từ bỏ ngai vàng để làm một cuộc viễn du âm nhạc xa hơn đường biên tổ quốc. Bán căn nhà đang ở, năm 1961 Bạch Yến sang Pháp học thanh nhạc và từ đây, con đường bà đến với thế giới chính thức được nối liền. Năm 1965, bà là người Việt Nam đầu tiên hát trong chương trình tạp kỹ huyền thoại Ed Sullivan show và đó là dấu mốc để Bạch Yến trở thành nghệ sĩ quốc tế.
Trong điệu swing jazz, Bạch Yến trưng trổ hết ngón nghề và thấy rõ một tính cách âm nhạc của riêng bà. Bạch Yến kể lại: “Khi mới sang Pháp học thanh nhạc, thầy dạy bảo tôi luyện thanh hát nhạc Dalida tôi hát y chang, hát Edith Piaf tôi cũng làm y hệt, cứ tưởng được khen ai ngờ bị mắng té tát, bởi thầy nói “cái riêng của em đâu?”. Và từ đó, tôi cố sống cố chết phải tìm ra cho mình một cách riêng”.
Nhưng đến khi tìm ra thì bà quyết định bỏ cuộc chơi ngoại quốc để quay về nhạc dân tộc, lần này cùng đồng hành với phu quân là nhạc sĩ Trần Quang Hải. Đó là năm 1978 và hơn 30 năm qua, bà đã cùng chồng đi qua hơn 70 nước để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Chương trình Sol vàng tháng 12 thật ra mới chỉ tái hiện được phần nào cuộc đời âm nhạc của Bạch Yến nhưng nó cũng đủ để công chúng quê nhà biết nhiều hơn về “1 trong 10 ca sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam”, đồng thời thấy rõ hơn sự khổ luyện và những giá trị đích thực của những ngôi sao ngày cũ.
Tổng lượt bình luận: {{totalComments}} - Tổng lượt trả lời: {{totalReplies}}