Kỹ thuật thanh nhạc trong các bài hát hành khúc

 Để hát tốt các bài hành khúc, người hát không chỉ luyện giọng cho hay mà còn phải thể hiện đúng tình cảm sắc thái của bài. Muốn vậy, người hát phải có hiểu biết nhất định về đặc điểm âm nhạc của ca khúc và thao tác cần thiết khi học hát một ca khúc là phải nghiên cứu tìm hiểu bài hát. Và trong tìm hiểu bài hành khúc, người hát cần nghiên cứu các vấn đề liên quan như tác giả, xuất xứ và nội dung tư tưởng của tác phẩm, lời ca và một số đặc điểm âm nhạc của bài như cấu trúc, giai điệu, tiết tấu… Vì thế, việc áp dụng các kỹ thuật thanh nhạc vào dạy các bài hát hành khúc là rất quan trọng đối với ngành Âm nhạc. Đây là một điểm cần đổi mới, nếu hiểu biết về tác phẩm, chắc chắn việc thể hiện sẽ sâu sắc, tinh tế hơn.
Hành khúc 1

1. Tư thế trong ca hát
Giảng viên cần quan tâm đến tư thế của người học hát, điều đó không chỉ có tác dụng đến phong cách biểu diễn sau này của các em mà quan trọng hơn, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở và chất lượng giọng hát. Trong giờ dạy hát, thông thường giáo viên để người học hát tập hát đứng một chỗ từ đầu đến cuối giờ học. Theo tôi, điều này vô tình đã tạo ra sự căng cứng không thoải mái. Không nhất thiết chỉ tập đứng nguyên một chỗ, có thể cho người học hát vừa đi lại vừa hát như đi dạo, cần tập trước gương để thấy được tư thế của mình. Và trong thời gian đầu, có những người học hát vì quá căng thẳng hoặc quá tập trung nên khi học hát thường đứng căng cứng, lên gân, có em bị ngửa cổ mắt nhìn lên trần nhà hoặc có em cúi đầu nhìn xuống… Với những bài hành khúc, do tiết tấu của bài thường nhấn đều vào các phách nên một số người học hát khi hát dùng đầu hoặc đùi và chân đánh nhịp theo phách tạo ra tư thế hát bị xấu. Khi biểu diễn, hát có nhiều tư thế: đứng, ngồi; hát kết hợp đi lại, nhảy múa… Trong ca kịch, nhạc kịch, hát còn có những tư thế phức tạp như: nằm hát, cúi gập người hát…, tư thế hát của nhạc kịch phụ thuộc vào tình huống kịch. Tư thế ca hát là yếu tố được chú ý đầu tiên khi dạy học hát, nhằm giải quyết hai vấn đề: thuận lợi cho âm thanh và đẹp mắt, tư thế học hát phù hợp nhất là đứng thẳng. Khi đứng thẳng sẽ giúp người hát hít hơi sâu và điều tiết hơi tốt hơn. Tư thế hát cần đảm bảo những yếu tố sau: đứng thẳng lưng, hai tay thả lỏng tự nhiên, trọng tâm cơ thể dồn ở hai chân một cách thoải mái, chân rộng bằng vai; đầu ngay ngắn, nét mặt thoải mái, tươi tắn. người học hát nam có thể đứng mở rộng khoảng cách bàn chân để tạo dáng khỏe mạnh. Tư thế hát đúng, hợp lý sẽ giúp cho người hát có cảm giác thoải mái và sẽ dễ dàng tiếp thu và thực hiện tốt được các kỹ thuật thanh nhạc trong quá trình học tập.

2. Khẩu hình
Hành khúc 2

Khi dạy học hát, giảng viên cần phải quan tâm đến luyện tập khẩu hình cho người học hát. Chẳng hạn như nữ thường mở khẩu hình rộng hơn nam; nữ trung, nữ trầm mở dọc và rộng hơn nữ cao trữ tình; bài hát vui nhộn, nhịp độ nhanh thì khẩu hình nhỏ mới linh hoạt và ngược lại bài hát chậm, hoành tráng thì khẩu hình cần mở to để âm thanh dày, đầy đặn… Làm sao để khẩu hình phải luôn luôn mềm mại, không ảnh hưởng đến nét mặt và cách nhả chữ hoặc chất lượng của âm thanh, luôn đảm bảo cho âm thanh tròn, vang, sáng và rõ lời.Nói tới khẩu hình là nói tới cách mở miệng trong ca hát, đó là hình dáng bên ngoài của miệng và sự kết hợp bên trong giữa môi, lưỡi, răng và khoang miệng. Có những người mở khẩu hình rất hẹp khiến âm thanh hát như rít qua kẽ răng, có người lại mở khẩu hình ngoài miệng quá to, hoạt động của môi bị chuyển động liên tục khiến âm thanh như bị nhai đồng thời về thẩm mỹ cũng không đẹp. Có nhiều quan niệm về mở khẩu hình: mở to, mở vừa phải, mở ngang, mở dọc… Dựa vào kinh nghiệm giảng dạy thanh nhạc của bản thân, tôi thấy rằng, khẩu hình đúng là khoang miệng được mở rộng phía trong, khẩu hình bên ngoài mở rộng một cách thoải mái, to vừa phải, đẹp mắt. Khi khoang miệng bên trong được mở rộng, thoáng sẽ tạo điều kiện cho âm thanh cộng hưởng ở các xoang và đi ra ngoài một cách dễ dàng. Muốn như thế, phải mở tựa như khi ngáp, lưỡi gà (còn gọi là hàm ếch mềm) được treo lên và cuống lưỡi hạ xuống mềm mại.Tuy vậy, đó chỉ là nguyên lý chung, còn thực ra, mở dọc hay ngang, to hay nhỏ còn tùy thuộc vào trường hợp cụ thể khi hát vì liên quan tới các nguyên âm i, e, u, a hay o…, liên quan tới loại giọng và tính chất âm nhạc của bài hát. Cũng như tư thế, khẩu hình không chỉ là mục đích đạt đến thẩm mỹ đối với người hát mà quan trọng hơn, khẩu hình là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến độ vang của giọng hát, mở khẩu hình đúng thì giọng hát mới có thể đạt đến vang, sáng, tròn.

3. Hơi thở
Hành khúc 3

Hít hơi và đẩy hơi cần phải như thế nào? Cách hít hơi vào và đẩy hơi ra trong luyện tập học hát không giống như thở thông thường. Thở thông thường thì thời gian thực hiện của hai quá trình hít vào và thở ra có thể tương đối bằng nhau nhưng với học hát thì hít vào cần nhanh còn thở ra thì phải chậm và từ từ. Thời gian đầu tập luyện, giáo viên cần thị phạm kết hợp với giải thích cho người học hát hiểu, hướng dẫn cho người học hát phương pháp hít hơi nhanh và sâu, bằng cả mồm và mũi, khi để tay lên vùng thắt lưng sẽ thấy bụng và hai bên sườn đều giãn nở ra.
Trong luyện tập hơi thở có kỹ thuật hít hơi và đẩy hơi. Hít hơi sâu, đầy đặn, âm thanh sẽ dễ đạt đến tròn đầy; hít hơi nông, âm thanh sẽ dễ bị mỏng, yếu, thiếu sức sống. Đẩy hơi đủ độ, âm thanh sẽ chính xác; đẩy hơi nhiều quá, âm thanh sẽ chênh cao lên; đẩy hơi không đủ, âm thanh sẽ bị “non”, bị thấp hơn độ cao cần thiết. Hít hơi và đẩy hơi là hai hoạt động trái chiều nhau nhưng thống nhất của một quá trình, chúng tác động qua lại lẫn nhau và ta không thể xem nhẹ một trong hai hoạt động đó. Kỹ thuật hơi thở còn liên quan đến việc khống chế và điều tiết hơi cho câu hát dài hay ngắn, mạnh hay nhẹ… để phù hợp với tình cảm của bài hát.
Sau khi hít hơi sâu, nín thở từ một đến hai giây, rồi thở ra thật chậm và đều cho đến khi hết hơi. Khi thở ra cảm thấy có tiếng xì nhẹ qua chân răng, tiếng xì càng lâu càng tốt. Khi hít hơi sâu, lồng ngực như một quả bóng được thổi căng, khi thở ra giống như quả bóng bị x́ì hơi bởi một lỗ châm kim, nghĩa là đẩy hơi ra rất chậm và đều. Muốn điều tiết giữ được hơi đẩy ra chậm thì phải nén được hơi. Việc luyện tập hơi thở phải thường xuyên, kiên trì và không được nôn nóng. Đặc biệt, không tập thở theo kiểu hôm nay thế này, ngày mai thế khác mà phải tìm ra một phương pháp tập ổn định.
Luyện tập hơi thở là một vấn đề rất quan trọng trong dạy học hát, đặc biệt là với hát chuyên nghiệp, là nền tảng không thể thiếu được trong việc luyện tập kỹ thuật thanh nhạc. Có những quan niệm cho rằng, cốt lõi của thanh nhạc là hơi thở, hơi thở tốt sẽ hát tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là muốn đề cao vai trò quan trọng của hơi thở, thực tế, hát tốt không chỉ cần có hơi thở mà còn do nhiều yếu tố bởi phát âm là một quá trình phối hợp giữa nhiều bộ phận của cơ quan phát âm.

Tổng lượt bình luận: {{totalComments}} - Tổng lượt trả lời: {{totalReplies}}


{{comment.users.user_name}} {{fanpageName}} Đã bình luận vào lúc {{comment.created_at}}

{{comment.content | PhoneAndEmailGuard}}

{{comment.content}}

{{comment.users.user_name}} {{fanpageName}}

{{reply.content | PhoneAndEmailGuard}}

{{reply.content}}

Có thể bạn quan tâm

Bạn muốn tư vấn?


Hãy để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay!

Hotline
chat_icon
Zalo
chat_icon
Messenger
Thu gọn Mở rộng