Hướng dẫn cách thu âm tại Phòng thu
Hiện nay, nhu cầu thu âm đã trở nên rất phổ biến với mọi người (mà nhất là các bạn trẻ), nên việc thường xuyên lui tới các phòng thu không còn là điều hiếm xảy ra nữa. Mua nhạc nền để tham gia văn nghệ phong trào? Ghé phòng thu âm! Muốn cưa cẩm nhỏ bạn lớp bên bằng một bản tình ca mùi mẫn? Đến phòng thu âm! Hay lồng tiếng cho một đoạn phim ngắn mà cả nhóm hì hụi tự làm? Lại chui vào phòng thu âm!! Nhưng bạn thật sự đã biết cách thu âm đúng cách chưa ? Dù khả năng mix của bạn có tốt đến đâu, thiết bị thu âm ngon lành, bạn cũng không thể có được hiệu quả âm thanh tốt nhất có thể nếu ít nhất chưa từng biết về những điều dưới đây:
1. Thu âm không giống với đi hát karaoke: Nhiều bạn thắc mắc rằng tại sao mình thu hát vào đĩa không hay bằng đi hát karaoke.
- Trả lời: Thu âm không giống với đi hát karaoke bạn nhé!
- Vì những lý do sau:
+ Vấn đề tâm lý: Khi hát karaoke, tinh thần bạn hòan toàn thỏai mái, vui là chính. Còn khi bước vào phòng thu, nếu chưa thu âm nhiều, bạn sẽ cảm thấy đôi chút áp lực, hát thật khó, khó lấy hơi, cổ họng không mở ra để hát cao hơn được chẳng hạn…vv. Khi hát karaoke : bạn gặp những chố luyến láy khó, hoặc hát vấp, bạn có thể bỏ qua, vui mà! Và thường khi hát karaoke người ta chỉ nhớ những chố mình và bạn bè hát hay. Còn với thu âm, bạn được nghe đi nghe lại nhiều lần và có thể phát hiện ra những lỗi mà mình mắc phải khi hát. Lúc này thì những chỗ hát chưa tốt sẽ hiện ra rõ ràng và ta lại nhớ đến những chỗ hát dở nhiều hơn những chỗ hát hay. Có khi một bài thu âm, vì một chỗ hát chưa tốt mà ta cảm thấy chưa ưng với sản phẩm của mình. Còn với karaoke, hỏng một đoạn nhỏ không có nghĩa là cả bài hát không hay. Và có ai nghe lại được lần thứ 2 để nhớ rằng mình đã mắc lỗi ở đâu đâu…
+ Tai nghe nhạc: Trong phòng thu, để đảm bảo về cách âm và tránh tạp âm, bạn chỉ có thể nghe nhạc và giọng hát của mình qua một chiếc tai nghe. Điều này cũng làm bạn khó hát hơn là nghe nhạc và giọng hát qua loa âm thanh lớn. Đó cũng là một điều làm cho chúng ta bị áp lực hơn khi hát trong phòng thu. Những ca sỹ mới bắt đầu thu âm cũng gặp phải điều này. Công việc nào cũng cần kinh nghiệm và sự chuẩn bị (Trăm hay không bằng tay quen, muốn hát hay thì phải hát nhiều, hát nhiều để có kinh nghiệm và tự tin hơn). Khi thu âm nhiều lần rồi, bạn sẽ tích lũy được kinh nghiệm và sẽ tìm ra cách làm cho mình tự tin và thỏai mái khi hát trong phòng thu.
+ Âm thanh của phòng thu khác âm thanh karaoke : Thiết bị của phòng thu là những thiết bị cao cấp, tạo ra độ chân thực cao nhất cho giọng hát và nhạc. Những lỗi nhỏ nhất có thể được phát hiện dễ dàng. Còn với karaoke, âm thanh đôi khi được mở lớn, tiếng hát nhiều echo (tiếng vang) để đánh lừa cảm giác của người hát và người nghe. Bạn nghĩ rằng ai hát karaoke hay thì có thể hát hay trong phòng thu? Vậy thì có vẻ như trở thành ca sỹ là quá dễ dàng với mọi người nhỉ? Không đâu nhé, hihi. Bạn hãy nhớ: Thu âm không giống với đi hát karaoke
2. Những lỗi hay mắc phải trong quá trình thu âm:
– Nhầm lời
– Hụt hơi
– Mất giọng
– Hát không đúng nhịp
– Hát sai cao độ (Chênh phô)
3. Khắc phục:
– Cách khắc phục duy nhất và hiệu quả nhất đó là bạn phải luyện tập và chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi thu âm. Thu âm 1 bài hát không quá khó, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người , kỹ thuật viên có thể can thiệp phần nào và sẽ làm hay nhất có thể.
– Ngòai ra, bạn hãy thật tập trung khi hát và tập lấy hơi thật sâu trước mỗi câu hát. Hơi thở là yếu tố cơ bản nhất quyết định mọi điều của kĩ thuật thanh nhạc. Tuyệt đối không di chuyển, cầm, rung micro trong quá trình thu.
- Các bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đừng quá lo lắng, hãy giữ tâm lý thật thoải mái trước khi bước vào phòng thu âm nhé.
4. Chỉnh sửa sau khi thu âm
Sau khi bạn hòan tất việc thu âm, kĩ thuật viên sẽ tiến hành chỉnh sửa (Mix bài hát). Công việc bao gồm: Chỉnh sửa lại những đoạn chưa đúng nhịp, chưa đúng cao độ. Thêm hiệu ứng để giọng hát hay hơn, phù hợp với bài hát sôi động hay trữ tình. Tuy nhiên, yếu tố con người mới là yếu tố quan trọng nhất, quyết định bài hát có hay hay không. Kĩ thuật viên có thể can thiệp một phần nào đó, còn bạn mới là yếu tố quan trọng nhất để cho ra đời một bài hát hay. Có một vài kĩ thuật viên ở các phòng thu phát biểu rằng họ có khả năng chỉnh sửa bài hát rất cao thủ, có thể biến người hát dở thành hát hay. Xin thưa rằng đó là lời nói ngốc nghếch nhất của những người nghiệp dư! Những người làm nhạc chuyên nghiệp sẽ không bao giờ phát biểu như vậy. Nếu thế thì chắc ai cũng làm ca sỹ và ra đĩa được. Chỉnh sửa càng nhiều thì sẽ càng giống cái máy tính hát chứ không còn là người hát nữa.
Tổng lượt bình luận: 0 - Tổng lượt trả lời: 0