Giọng hát không phải của trời cho!
Câu trả lời là “Vâng, tất cả chúng ta, ai cũng có thể hát”. Không phải ai cũng hát hay như Bằng Kiều, Lệ Quyên nhưng chúng ta có thể hát và có thể rèn luyện để hát hay hơn.
Để có thể tự tin nói điều này, ta cần nhìn nhận đơn giản ở góc độ logic sau:
Chúng ta hát được là nhờ có dây thanh quản. Chúng ta ai cũng có dây thanh quản và may mắn thay phần lớn chúng ta đều có thể dùng sợi dây ấy để phát ra âm thanh. Điều này chẳng khác nào bạn có một cây đàn trong người cả. Tất nhiên, mỗi người trời phú cho “cây đàn” không giống nhau. Có cây đàn thì chơi bass hay, cây khác lại gẩy lên những tiếng cao vút, lại có cây tiếng phát ra không đều, bị rè…Một cây đàn bị hỏng, âm thanh phát ra không được hay, chúng ta đem nó đến nghệ nhân sửa đàn để canh chỉnh lại. Nó lại trở thành một cây đàn tốt. Tương tự, một giọng hát không như ý muốn, ta cũng có thể “sửa” được, nhưng lần này ta sẽ không cần đến một nghệ nhân chuyên về đàn mà là một nghệ nhân chuyên về ca hát. Tất cả cũng cùng một vấn đề và cùng cách giải quyết. Do đó không có gì để ta phải bi quan. Chỉ cần chúng ta luôn tin tưởng và bền bỉ. Mọi chuyện đều có thể…
Phần lớn mọi người ai cũng nói rằng mình không hát được. Nhưng thực chất nói như thế này thì đúng hơn: “Chúng ta không biết làm cách nào để sử dụng giọng của mình – “nhạc cụ của mình” một cách hiệu quả!
Hãy tưởng tượng khi bạn bắt đầu học chơi một loại nhạc cụ nào đó, guitar chẳng hạn. Ban đầu bạn loay hoay không biết phải cầm cây đàn như thế nào. Bạn gẩy vào những dây buông, tiếng kêu thật lộn xộn và chẳng có giai điệu nào. Tiếp đến, bạn đánh những nốt chặn. Dù những ngón tay bạn có gồng lên để bịt cho hết dây thì vẫn phát ra những tiếng tặc tặc khó chịu. Bạn chán nản, bạn từ bỏ. Hưng phấn, lại tiếp tục, rồi lại từ bỏ…Sau một thời gian khó khăn, giờ đây bạn đã biết vị trí của những nốt cơ bản trên phím đàn. Bạn đã biết kha khá về hợp âm và các điệu đơn giản như slow, ballad, bolero, sulf…Dạo một vòng hợp âm, nghe cũng không tệ, solo một bản cổ điển, cũng không tồi. Bạn có thể cảm âm một cách tương đối chính xác. Lúc này bạn cảm thấy đã làm chủ được cây đàn. Bạn có thể tự tin hơn về ngón gẩy của mình. Dù đó chỉ là bước khởi đầu nhưng bạn đã có một kĩ năng, một phương pháp và một hướng đi rõ ràng. Cái cần thiết bây giờ là phải đặt ra những đòi hỏi để vượt qua và sự hiến dâng bản thân mình vào con đường đó. Dù là mất rất nhiều thời gian để trở thành một finger styler thực thụ, một bậc thầy classic, hay một lãng nhân flamenco nhưng tất cả đều xứng đáng và bạn luôn đủ sức để đạt đến. Chỉ cần rèn luyện một cách bền bỉ.
Học hát cũng như là tập chơi một loại nhạc cụ vậy. Bạn cần phải bỏ thời gian và công sức để luyện tập. Hãy cứ nghĩ thế này: “nếu ta có thể sử dụng một loại nhạc cụ bên ngoài một cách thuần thục được thì một “cây đàn” ta luôn mang trong mình sao lại khó khăn với ta?”. Trở ngại ở đây là tâm lý và thiếu sự tập luyện.
Cách tốt nhất, bạn nên tìm một giáo viên thanh nhạc để có thể phát hiện những vấn đề trong giọng hát của mình. Khi những vấn đề trong giọng bạn được chỉ ra, các bài tập phù hợp sẽ giúp bạn sử dụng giọng của mình một cách chuẩn xác hơn. Quá trình này đòi hỏi bạn phải luyện tập nhiều và từ bỏ một vài thói quen xấu về cách phát âm, lấy hơi, khẩu hình miệng…Các bài tập này, giáo viên sẽ hướng dẫn cho bạn hoặc bạn cũng có thể tìm hiểu qua sách vở, mạng internet.
Tiếp đến bạn cần phải luyện nghe nhiều. Điều này nghe có vẻ lạ vì bạn đang tập hát chứ không phải đang rèn luyện thính giác. Thực tế, luyện khả năng nghe trong thanh nhạc là điều cực kỳ quan trọng bởi việc bạn nhạy cảm với âm thanh như thế nào sẽ quyết định đến việc bạn đưa ra một giai điệu chất lượng ra sao. Ta có thể thấy những người bị điếc thường sẽ bị câm. Không phải thanh quản hay lưỡi của họ bị trục trặc. Họ không nói vì không thể nghe được. Tương tự như vậy, bạn không thể hát một giai điệu nào đó khi bạn chưa từng nghe về nó hay bất cứ âm thanh chất liệu nào nảy sinh ra nó. Vấn đề cốt yếu trong việc luyện nghe là bạn phải nghe rõ và phân biệt được cao độ của bản nhạc, nói nôm na là khả năng phân biệt chính xác các nốt nhạc. Điều này thường là tiêu chí cho cái gọi là “thông minh âm nhạc”, khi mà có nhiều người bẩm sinh đã rất dễ dàng nghe và đọc được nốt trong bản nhạc, nhiều người thì lại khá khó khăn. Thậm chí còn có một chứng bệnh liên quan đến chứng khó cảm âm này. Amusia, cứ 20 người thì có 1 người mắc chứng này. Những người mắc chứng amusia sẽ gặp một vấn đề về giác quan: đó là họ không thể phân biệt được độ cao thấp của nốt nhạc hoặc không thể hát theo những giai điệu thậm chí đơn giản nhất. Nói là như vậy chẳng qua đây là vấn đề thể chất, một yếu tố trong nhiều yếu tố làm nên giọng hát hay, trời phú cho ai thì người đó được nhờ. Ông bà ta đã có câu: “cần cù bù thông mình”. Ở đây cũng vậy, chỉ cần bạn bỏ ra nhiều công sức tập luyện thì dù không được “thông minh âm nhạc” như Mozart, bạn vẫn có thể biến mình thành một tài năng trong âm nhạc. Tất cả bạn cần là tập luyện, tập luyện, tập luyện…
Khi khả năng cảm âm của bạn đã tốt hơn lên, bạn nên tập hát không cần nhạc beat. Điều này giống như là viết chữ mà không cần ô kẻ canh dòng vậy. Làm sao con chữ không những phải đẹp mà còn ngay ngắn, thẳng hàng. Khi tập hát mà không cần beat, bạn đang thực hiện một quá trình tạm gọi là “nghĩ về âm thanh”. Đơn giản là bạn hát “chay” nhưng beat vẫn phát trong đầu bạn. Bạn vẫn kiểm soát được cao độ, tempo, giai điệu…của bản nhạc. Có lẽ vì khả năng này nên Beethoven vẫn có thể sáng tác được nhạc khi ông bị điếc vào cuối đời.
Cuối cùng, sau khi có tất cả các điều trên, một cách tự nhiên, bạn sẽ tự mình phát triển một kỹ năng mới: khả năng ứng biến. Với kỹ năng này, bạn có thể làm chủ bản nhạc, biến nó thành một phần của mình. Giống như khi bạn đã có một tô canh ngon, bạn có thể làm cho nó tuyệt hơn bằng khả năng nem ném gia vị của mình, bổ khuyết những thứ còn thiếu, đem cá tính của bạn vào đó.
Những thói quen cần thiết để học hát một cách hiệu quả:
- Nghe nhiều ca sĩ hát
- Nghe nhiều phong cách âm nhạc khác nhau
- Học nhạc lý
- Tập chơi một loại nhạc cụ
- Tập hát nhiều thể loại nhạc khác nhau
- Luyện tập hằng ngày
Tổng lượt bình luận: {{totalComments}} - Tổng lượt trả lời: {{totalReplies}}